Công nghệ thực tế ảo - Hướng phát triển mới trong lĩnh vực du lịch

Tại Việt Nam, công nghệ bắt đầu “xâm nhập” lĩnh vực này thông qua việc số hóa, sử dụng công nghệ thực tế ảo với các thắng cảnh, di tích, di sản văn hóa phi vật thể.

Dự báo về tiềm năng phát triển 

Công nghệ thực tế ảo không phải là lĩnh vực mới trên thế giới, vượt xa trải nghiệm xê dịch truyền thống, nó đem đến một khái niệm mới “du lịch ảo”. Những năm gần đây, tại Việt Nam, xu hướng này cũng manh nha xuất hiện, đặc biệt sau thời gian cách ly xã hội bởi đại dịch Covid 19, nó càng thể hiện tiềm năng phát triển trong tương lai, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dùng, mà còn đưa ngành công nghiệp không khói của chúng ta vươn xa.

Có thể hiểu đơn giản rằng, khi di tích, thắng cảnh đã được số hoá trên môi trường 3D, người dùng chỉ cần đeo kính thực tế ảo và tai nghe, dù đang ở Hà Nội vẫn có thể ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ của núi rừng Mộc Châu hay thưởng ngoạn những nhũ đá triệu năm huyền ảo dưới hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình). Thậm chí, du khách có thể tương tác gần như thực tế với thắng cảnh.

Mộc Châu là một trong những địa phương đã áp dụng công nghệ này một cách hiệu quả, lần đầu tiên tại Tây Bắc, một tour du lịch ảo đã được thực hiện. Chia sẻ về giải pháp mới này, ông Ngô Thành Đạo,Trưởng phòng Kế hoạch xúc tiến du lịch, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cho biết: Số hóa là bước đầu tiên để chúng tôi xây dựng du lịch ảo, toàn bộ không gian, địa điểm sẽ được quét bằng các thiết bị hiện đại nhất: Máy bay Flycam, thiết bị chụp ảnh 360. Sau đó, dữ liệu sẽ được xử lý, tất cả hình ảnh, video 360 độ được ghép và liên kết lại với nhau bằng phần mềm chuyên dụng, từ đó cho ra chuyến tham quan 360 độ, với hệ thống nút bấm, nút điều hướng để người dùng thoải mái trải nghiệm, tham quan như thật. Hiện, Ban Quản lý đã xây dựng được hơn 10 chương trình du lịch ảo và thử nghiệm quảng bá.

Anh Trần Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ: Tôi thấy rất thú vị, mới mẻ khi trải nghiệm hình thức du lịch này, so với chuyến đi thật, chi phí cho một chuyến du lịch ảo thấp hơn nhiều, đặc biệt là,  trong những lúc kẹt thời gian, không thể sắp xếp được công việc để đi du lịch.

Trên thực tế, hình thức du lịch này cũng bộc lộ những ưu việt rất thích hợp với cuộc sống con người trong thời đại số. Đặc biệt là, với những người khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ du lịch theo cách truyền thống như người khuyết tật, người có thu nhập thấp.

Du lịch thực tế ảo đang làm thỏa mãn "cơn khát" cho những tín đồ yêu du lịch; đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tìm ra cách thức mới khắc phục những khó khăn do COVID-19, hay thiên tai...

Đây có thể là hướng đi đầy tiềm năng cho các vùng DTTS và miền núi. Cách quảng bá sâu rộng này tạo 2 hiệu ứng song song: Du khách trong nước, quốc tế sẽ biết đến chúng ta nhiều hơn, đồng thời sẽ thúc đẩy một lượng lớn khách đi du lịch truyền thống khi họ đã được trải nghiệm địa điểm du lịch sắp đến.

Nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch

Không chỉ vậy, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch, còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong quá trình hỗ trợ tìm kiếm thông tin, tư vấn dịch vụ... Từ đó, góp phần thúc đẩy tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ, khả năng cạnh tranh  để nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Thời gian gần đây, công nghệ cao bắt đầu được ứng dụng nhiều hơn, nhờ đó đã xuất hiện bảo tàng ảo, di tích ảo thông qua công nghệ thực tế ảo; rồi phim 3D, 4D và sự ra đời của công nghệ 3D vừa hỗ trợ quảng bá, công tác bảo tồn, vừa giúp công nghệ thực tế ảo đạt tầm cao mới; hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống dữ liệu di sản được kết nối, chia sẻ, trích xuất ngày càng hiện đại…

Ngày 30/12/2011, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới”. 

Thế nên, ứng dụng công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi mạnh mẽ tư duy trong ngành Du lịch, nhanh chóng thích ứng với đòi hỏi mới của thị trường, từng bước xác lập vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Theo Báo Dân tộc và Phát triển



VR360PLUS - Xem Dự Án 360° Mới Nhất Tại Đây !


Scroll to top